Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Truyện: Nghìn lẻ một đêm - Tác giả: Antoine Galland



    Tác giả: Antoine Galland

  • Nghìn lẻ một đêm (Phần 1).
Sử ký triều đại Xátxaniên, triều đại những nhà vua nước Ba Tư cổ đã từng mở rộng biên cương sang đất ấn Độ và những đảo lớn đảo nhỏ phụ thuộc nước này và đến tận xa mãi bên kia bờ sông Hằng cho tới nước Trung Hoa, chép rằng:
Ngày xưa, dòng họ hùng cường này có mặt ông vua từng nổi danh một thời là đấng quân vương tuyệt vời. Muôn dân yêu quý người về đức anh minh và tính thận trọng;
các nước lân bang tôn kính người về uy danh lỗi lạc, kiềng nể người vì có đạo quân thiện chiến và kỷ luật nghiêm minh. Vua có hai hoàng tử người con cả tên là Saria, xứng đáng được kế thừa ngôi báu của vua cha; người con thứ tên là Sadơnăng tài đức cũng không thua kém anh ruột về mặt nào.

Sau một đời trị vì lâu dài và vinh hiển, nhà vua băng hà. Hoàng tử Saria lên nối ngôi. Theo luật pháp nước nhà, Sadơnăng không được chia quyền, đành phải sống như một người dân thường. Thế nhưng, không những chàng không ganh tị hạnh phúc của anh lại còn hết sức tìm cách để được lòng anh. Việc đó cũng chẳng có gì khó khăn lắm. Saria vốn yêu mến em trai, càng lấy làm hài lòng về thái độ đó và muốn chia sẻ sơn hà với em. Vua cắt đất phong cho chàng làm vua nước Đại Táctari. Sadơnăng đi nhậm chức ngay và đóng đô ở Xamáccăng, thủ Phủ của xứ này.

Đã mười năm qua kể từ khi hai vua xa cách. Bỗng một hôm thiết tha muốn gặp em trai, Saria quyết định cử một sứ bộ đi mời chàng về thăm mình. Vua chọn chính tể tướng của mình cầm đầu sứ bộ ấy. Vị đại thần này, cùng một đoàn tùy tòng đi theo, lập tức lên đường và rong ruổi khẩn trương.

Khi ông đến gần Xamáccăng, vua Sadơnăng được báo trước, liền cùng các đại thần ra ngoài kinh thành nghênh tiếp. Các quan đều ăn mặc rất lộng lẫy để tỏ lòng kính trọng vị quan đầu triều của hoàng đế. Quốc vương Táctari vô cùng mừng rỡ đón tể tướng và trước hết hỏi thăm tin túc của vua anh. Tể tướng đáp xong, liền trình bày lý do chuyến đi sứ của mình.

Sadơnăng rất lấy làm cảm động: "Ngài tể tướng công minh ạ - vua nói - hoàng đế anh ta ban cho ta vinh dự lớn quá thật không có lời mời nào làm ta thú vị hơn. Nếu anh ta muốn gặp ta thì ta cũng hết sức nôn nóng muốn thăm người: Thời gian không làm phai nhạt chút nào tình thân yêu của anh em ta. Bờ cõi ta đang thanh bình. Ta chỉ cần mươi ngày là kịp chuẩn bị lên đường cùng với ngài. Bởi vậy, không cần ngài phải vào kinh thành một thời gian quá ngắn như vậy. Ngài hãy dừng lại đây và cho dựng trại ở chốn này. Ta sẽ ra lệnh mang đến ngay cho ngài và những người tuỳ tòng rất nhiều hoa quả tươi".

Lệnh đó được thi hành ngay tức khắc. Nhà vua vừa quay gót về đến Xamáccăng, tể tướng đã thấy có người đưa đến cho mình cơ man là thức ăn vật uống, kèm theo những cao lương mĩ vị và tặng phẩm rất quý báu.

Trong lúc đó, vua Sadơnăng sửa soạn khởi hành. Ông xử lý những công việc cấp bách nhất, lập một hội đồng cai trị đất nước trong thời gian mình vắng mặt, và cử đứng đầu hội đồng ấy một vị đại thần mà vua hiểu rõ tài đức và hoàn toàn tín nhiệm. Sau mười ngày, đoàn hộ giá sửa soạn xong xuôi. Vua giã từ hoàng hậu, rời kinh đô vào buổi chiều cùng các quan đi hộ giá tới nghỉ ở hành cung mà vua cho dựng sẵn bên cạnh trại của tể tướng. Vua đàm đạo với viên sứ thần đến tận nửa đêm.

Lúc ấy, muốn gặp lại một lần nữa hoàng hậu mà vua rất yêu quý, vua một mình trở lại hoàng thành và đi thẳng đến hậu cung. Hoàng hậu không ngờ vua quay trở lại, vừa làm việc bất chính với một viên quan hầu mạt hạng trong nội phủ. Hai người nằm với nhau lâu lắm và bây giờ đang ngủ say sưa. Vua rón rén đi vào cung dành cho hoàng hậu - mà vua vẫn ngỡ là yêu mình tha thiết - sự bất ngờ lý thú được gặp chồng quay lại. 

Nhưng vua xiết bao kinh ngạc khi trông thấy, dưới ánh đèn không bao giờ tắt trong các cung vua phủ chúa, một người đàn ông được nàng ôm ấp trong đôi tay! Vua lặng người, không biết có nên tin vào mắt mình nữa hay không. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa! Vua tự bảo: "Quái lạ. Ta chưa ra khỏi hoàng cung, ta còn ở dưới chân thành Xamáccăng, thế mà chúng nó đã dám làm chục ta! A, con khốn nạn! Tội của mày không thể không bị trừng phạt. Là vua, ta phải trừng trị những điều vô đạo xảy ra trong nước, là người chồng bị xúc phạm, ta có quyền chính đáng được trả thù".

Trong cơn phẫn nộ, nhà vua đáng thương ấy rút gươm, tiến lại gần giường, và chém một nhát kết liễu cuộc đời hai tên gian phu dâm phụ đang say sưa giấc nồng. Sau đấy, vua túm xác từng tên một ném qua cửa sổ xuống chiếc hào sâu bao quanh hoàng cung.
  • Nghìn lẻ một đêm (Phần 2) - Chuyện ngụ ngôn con Lừa con Bò và người thợ cầy.
Có một thương gia rất giàu có, ông ta có nhiều trang trại ở thôn quê, nuôi rất nhiều loại gia súc. Ông cùng vợ và con trai lui về một trang trại của mình và tự trông nom việc làm ăn. Trời phú cho ông một cái khiếu là nghe hiểu được tiếng nói của súc vật. 
Nhưng với một điều kiện là nghe xong không được thuật lại với ai, nếu không sẽ bỏ mạng. Bởi vậy, dù ông có biết hết, nhưng chẳng bao giờ dám truyền lại cho ai hay những điều ông thường nghe súc vật nói. Trong một chuồng kia nhốt chung một con Bò và một con Lừa. Một hôm đang ngồi cạnh chuồng xem lũ nhỏ nô đùa, chợt ông nghe tiếng con Bò bảo con Lừa:
- Lừa ơi, trông thấy cậu nhàn hạ, công việc người ta buộc cậu làm chẳng có là bao, tớ càng thấy cậu hạnh phúc quá chừng. Có người lo kỳ cọ chải lông cho cậu, tắm rửa cho cậu, mang cho cậu ăn đại mạch đã sàng lọc cẩn thận, lại cho cậu uống nước vừa mát vừa trong. 

Công việc nặng nhọc nhất của cậu là cho ông chủ cưỡi mỗi khi ông chủ cần đi đó đi đây tí chút. Không có việc đó thì cả đời cậu trôi đi trong sự vô công rồi nghề. Khác hẳn với cách thức người ta đối xử với tớ. Cậu thoải mái đến đâu thì tớ khó nhọc đến đấy. Chưa quá nửa đêm người ta đã đóng ách vào cổ rồi. Rồi tớ nai lưng ra mà cày xới suốt cả ngày. Có hôm tớ mệt đến nỗi muốn quỵ ngay tại chỗ, ấy là chưa kể lão thợ cầy đi đằng sau lúc nào cũng lăm lăm cái roi trực quất vào mông tớ. 

Tớ cày nhiều quá, cổ tớ tứa máu ra. Sau khi phải làm lụng suốt ngày từ sáng tới chiều, tối về người ta ném cho tớ mớ cỏ khô mà cũng chẳng buồn nhặt bớt cát sạn và các thứ lăng nhăng lẫn vào trong cỏ. Khốn khổ hơn nữa, là sau khi ăn ba miếng cái thức ăn chẳng có gì ngon lánh ấy, tớ buộc phải ngủ ngay trên cứt đái của mình. Cậu thấy đấy, tớ ganh tị số phận của cậu là phải quá đi chứ. 

Lừa không ngắt lời Bò, nó cứ để Bò nói chán chê xong đâu đấy mới bảo: 

- Người ta bảo ngốc như Bò chẳng ngoa chút nào. Cầu khờ quá. Cậu để mặc cho người ta đối xử thế nào cũng được. chẳng bao giờ cậu quyết định được điều gì ra trò. Ấy thế mà cậu xem, cậu chịu đựng bao nhiêu nỗi bất công như vậy rốt cuộc được cái gì nào? Cậu làm kiết xác vì sự thanh nhàn, vui thú và lợi lộc của những kẻ ăn ở không biết điều với cậu. Người ta sẽ không đối xử với cậu như vừa qua đâu nếu cậu có lòng dũng cảm cũng ngang bằng như thể cậu vậy. Khi người ta dắt cậu buộc vào chuồng, tại sao cậu không cưỡng lại? Tại sao cậu không giơ sừng ra mà húc đại mấy phát vào? Tại sao cậu không biết giậm chân để tỏ ý giận dữ? Và cuối cùng tại sao cậu không biết be lên một cách khủng khiếp cho người ta sợ?
  • Nghìn lẻ một đêm (Phần 3) - Đêm đầu tiên (nhà buôn và thần linh).
Tâu bệ hạ, ngày xưa có một thương gia rất giàu có, đất đai, hàng hóa cũng như tiền bạc của ông nhiều vô số. Nhà ông có nhiều người làm thuê ở mướn.

Thỉnh thoảng, ông buộc phải có những chuyến đi xa để bàn tính chuyện làm ăn với bạn hàng. Một hôm, công việc quan trọng khiến ông phải đi xa nhà, ông lên ngựa, mang theo một chiếc hòm con đặt sau yên, trong đựng một ít bánh khô và trái trà là làm thức ăn đường, vì ông sẽ phải đi ngang qua một sa mạc. Ở đấy chẳng có gì để mà mua bán.

Ông tới nơi cần tới mà không gặp trở ngại dọc đường. Giải quyết xong công việc, ông lên ngựa trở về. Ngày đi đường thứ tư, ông cảm thấy quá mệt mỏi vì trời nắng chang chang, đất bị hun nóng. Trông thấy một lùm cây không xa đường cái, ông rẽ cương rẽ ghé lại đó, định nương bóng cây nghỉ ngơi chốc lát.

Dưới gốc một cây hồ đào có một cái giếng khơi nước trong leo lẻo. Ông xuống ngựa, buộc ngựa vào một cành cây, rồi ngồi nghỉ dưới gốc cây hồ đào. Ông mở chiếc hòm, lấy bánh khô và quả trà là ra. Vừa ăn vừa ném hột trà là sang hai bên. Dùng xong bữa đạm bạc ấy ông rửa mặt mũi chân tay, rồi đọc kinh cầu nguyện.

Ông cầu kinh xong còn đang quỳ gối, chợt thấy hiện lên trước mắt một thần linh cao lớn dị thường, râu tóc trắng như cước. Một thanh gươm cẩm ở tay, thần tiến đến gần và dữ tợn thét: 
- Hãy đứng lên, để cho tao dùng thanh gươm này giết chết mày như mày đã giết chết con trai ta.
  • Nghìn lẻ một đêm (Phần 4) - Đêm thứ hai
Tâu bệ hạ, nhà buồn nhìn thấy hung thần sắp chặt đầu mình liền kêu lên:
- Làm ơn, xin hãy ngừng tay, cho tôi được nói thêm một lời này. Xin ngài hãy gia hạn cho tôi được phép về vĩnh biệt vợ con và phân chia gia sản. Bởi vì tôi chưa kịp làm di chúc, để sau khi tôi qua đời khỏi xảy ra chuyện tranh giành kiện tụng lôi thôi. Xong đâu đấy tôi xin quay trở lại nơi này, chịu tội với ngài. 

- Nhưng ta sợ rằng nếu ta gia hạn cho mày rồi mày sẽ không trở lại đây nữa. 

Thần linh nói. 

- Nếu ngài tin lời thề độc của tôi thì tôi xin thề có trời cao đất dày chứng giám rằng tôi sẽ trở lại nơi đây không lỗi hẹn. 

- Vậy mày cần bao nhiêu lâu? 

Thần hỏi. 

- Xin ngài cho một năm. Có như vậy thì mới đủ thời gian cho tôi thu xếp mọi công việc. Và cũng để khi chết tôi khỏi hối tiếc là mình chưa kịp hưởng hết mọi lạc thú trên đời này. Vậy tôi xin hứa là sang năm, đúng vào ngày hôm nay, tôi xin trở lại gốc cây này, phó thân cho ngài muốn làm gì thì làm. 

- Mày có dám xin Thượng Đế chứng giám lời thề của mày hay không? 

Thần linh hỏi. 

- Tôi xin thề một lần nữa và xin ngài hãy tin lời thề của tôi. 

Đến đây thần linh biến mất. Để lại thương gia một mình bên bờ giếng.

  • Nghìn lẻ một đêm (Phần 5) - Đêm thứ ba
Đêm tiếp sau, Đináczat cất lời thưa với chị giống như hai đêm trước: 
- Chị thân yêu ơi, em van chị, nếu chị không ngủ, thì hãy kể cho em một trong những câu chuyện hay hay mà chị biết.

Nhưng Hoàng Đế nói người muốn nghe tiếp câu chuyện về thương gia và thần linh. Bởi vậy nàng Sêhêrazat kể tiếp như sau: 
- Tâu bệ hạ, trong khi nhà buôn và cụ già dắt con hươu cái đang đàm đạo thì chợt có một cụ già khác đi tới. Theo sau là hai con chó đen. Cụ đến gần và hỏi hai người họ làm gì ở trốn này. Cụ già dắt con hươu cái thuật lại câu chuyện giữa thương nhân và thần linh cùng lời thề của ông. Cụ nói thêm: Hôm nay là ngày hẹn nên cụ muốn ở lại đây xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Cụ già kia thấy câu chuyện cũng đáng được biết lắm nên cũng nán lại chờ xem. Cụ ngồi xuống cạnh hai người. Họ vừa nối lại chuyện trò thì xuất hiện một cụ già thứ ba.

Ngỏ lời với hai cụ kia. Cụ hỏi vì sao vị thương gia ngồi cùng với họ trông có vẻ buồn bã đến vậy. Được biết rõ đầu đuôi, cụ già mới tới cũng thấy câu chuyện thật quá kỳ lạ và cũng muốn được chứng việc gì sẽ xảy ra giữa thần linh và thương gia. Vì vậy cụ ngồi xuống cạnh những người khác.

Chẳng bao lâu họ trông thấy giữa đồng hoang nổi lên một làn hơi mù mịt.
Nguồn: Megafun

0 nhận xét:

Đăng nhận xét